Post by cuong on Feb 5, 2015 2:56:09 GMT
Sự Mất Quân Bình Âm Dương
BS Ðặng Trần Hào
Bằng sự cảm nhận, trước những hiện tượng và sự vật đối nghịch diễn ra trong vũ trụ, người xưa đã đưa ra qui luật căn bản trong học thuyết âm dương.
Ðiều thích thú là ngày nay những khám phá trong sinh học và y học, như tác dụng của hưng phấn và ức chế trong thần kinh học, kháng nguyên thể trong miễn dịch học... ngày càng xác định giá trị của học thuyết âm dương hay qui luật thống nhất, quân bình và hỗ căn của các mặt đối lập.
Chẳng hạn, tìm ra được một chất, tức sẽ phải tìm ra được đối chất của nó. Tìm ra được một tác dụng tức sẽ tìm ra được một phản tác dụng của nó... Y Học Ðông Phương, qui luật trên đã áp dụng một cách thuần thục, người xưa đã phát hiện và giải quyết rất nhiều cặp mâu thuẫn khác nhau trong y học.
Quy luật căn bản trong học thuyết Âm Dương
Âm dương đối lập nhau: Ðối lập là sự mâu thuẫn giữa hưng phấn và ức chế giữa hai mặt âm dương. Thí dụ: âm và dương, nóng và lạnh, ngày và đêm, tĩnh và động, tối và sáng, mềm và cứng, nặng và nhẹ, thụ động và hoạt động....
Âm dương hỗ căn nhau: Hỗ căn là nương tựa vào nhau. Hai mặt âm dương tuy đối lập với nhau nhưng phải nương tựa vào nhau mới tồn tại được. Thí dụ: Sự co thắt trái tim của chúng ta mỗi phút khoảng 80 nhịp đập bình thường. Muốn tái lập sự bình thường đó nhờ vào giao cảm hưng phấn nhịp tim thúc đẩy nhịp tim hãy đập nhanh lên, và một bên là thần kinh đối giao cảm ức chế nhịp tim, hãy đập chậm lại: Một bên kích thích, một bên kìm hãm, một bên dương, một bên âm, đối lập và ràng buộc nhau để điều hòa nhịp tim trong trạng thái sinh lý bình thường.
Tóm lại, không phải chỉ trong hoạt động của trực giao cảm và đối giao cảm mà thôi, mà còn nhiều hoạt động khác, như sinh lý, sinh hóa, sinh vật lý... Tất cả những hoạt động của động vật là do sự quân bình giữa hưng phấn và ức chế. Bất cứ nơi nào cũng có sự biểu hiệu của hai mặt đối lập, của âm dương tương phản, tương hợp, tương cảm, tương ứng...
Thế nào là hư chứng và thực chứng dựa trên mất quân bình về âm dương? Lấy ví dụ sau đây: Có 3 loại thận suy: Thận dương suy, thận âm suy, và thận tinh suy.
Từng trường hợp được trình bày như sau:
Thận dương suy: Có hai nguyên nhân, tiên thiên và hậu thiên. Tiên thiên do bố mẹ yếu sinh ra chúng ta yếu. Hậu thiên là do hoàn cảnh sinh sống vì thiếu thốn dinh dưỡng, sợ hãi quá độ, hay lơi dụng sinh lý quá độ làm thận suy.
Thân dương suy còn gọi là mạng môn hỏa suy: bệnh nhân lạnh tứ chi, mặt trắng bệch hay đen kịt, đau vùng thắt lưng, xuất tinh sớm, rụng răng trước tuổi, mất thính giác, liệt dương, nước tiểu trắng trong, đi tiểu nhiều lần, ngày nhiều hơn đêm, phù chân, nhạt miệng, rêu lưỡi trắng. Mạch trầm, trì và vô lực.
Thận dương suy thường đi với tâm dương suy, tì dương suy hay phế khí suy.
Tùy theo trường hợp suy nhiều hay ít có thể phân ra ba trường hợp: Thứ nhất là phù thũng và tim hồi hộp. Thứ hai phù thũng và tiêu hóa không kiện toàn, đầy bụng, ăn không tiêu. Thứ ba là ho mãn tính, thở hụt hơi và suyễn, cuối cùng là thận bất nạp khí.
Nhiều loại bệnh liên quan tới thận dương suy được Tây y định bệnh: viêm thận mãn tính, đau lưng, sinh lý yếu, bất lực, tiêu nhiều và bệnh tiền liệt tuyến, nang thượng thân yếu, giảm năng tuyến giáp trạng (hypothyroidism), suyễn mãn tính hay khí thủng, bệnh tim, viêm đường ruột mãn tính, lỵ mãn tính, phù do chai gan.
Toa thuốc thận dương suy - Bát Vị Ðịa Hoàng Thang
1. Phục linh, 9 gram
2. Mẫu đơn bì, 9”
3. Quế bì, 3”
4. Thục địa, 15”
5. Sơn thù du, 9 gram
6. Phụ tử, 3”
7. Trạch tả, 9”
8. Hoài sơn, 9”
Bát vị địa hoàng thang trong đông y được dùng chữa trị những loại bệnh sau: Tê tứ chi, bao tử ứ nước, tiểu đường. Toa thuốc này mục đích chính là tái tạo lại sự suy của thận dương, nang thượng thận và sản xuất lại tinh. Thường cho bệnh nhân quá mệt mỏi và suy nhược, ăn uống chậm tiêu, táo bón, tiểu khó, tiểu nhiều, khát nước kèm khô lưỡi, đau lưng, yếu vùng rốn.
Nhiệm vụ của từng vị trong bài thuốc:
Thục địa: Gia tăng sức lực, bổ dưỡng và nuôi dưỡng.
Sơn thù du: Gia tăng sức lực, tăng cường thận, làm ấm bụng và chân, gia tăng sinh lực cho nam giới.
Hoài sơn: Nuôi thận, giảm sự lạnh của thân thể và giúp da trở lại mượt mà.
Mẫu đơn bì: Làm tan máu cục và giảm đau.
Phục linh: Làm thoát nước.
Trạch tả: Gia tăng đường tiểu tiện và giảm khát.
Quế bì: Giúp cho thục địa trong sự lưu thông máu và phục linh còn gia tăng sự tiểu tiên ở vùng hạ tiêu.
Phụ tử: Gia tăng thân nhiệt, tái tạo lại trách nhiệm của tạng phủ bị suy yếu và ăn khó tiểu sẽ nhờ phục linh và quế khai thông.
Chữa trị những bênh sau đây: Viêm thận, bệnh sởi, bệnh lao phổi, viêm bể thận, chứng có albumin trong nước tiểu, phù thũng, tiểu khó, tiểu không thông, bệnh tiểu đường, xuất huyết não, áp huyết cao, áp huyết thấp, thiếu máu, xuất tinh sớm, bất lực, không cương cứng được, đau lưng, đau thần kinh tọa, thoái hóa xương sống, tê chân và phù thũng, mộng mắt, áp huyết mắt, cận thị, ngứa cửa mình, khô da, chứng mề đay và bệnh lậu.
Ghi chú: Bệnh nhân yếu bao tử mãn tính, hay đi đại tiện chảy, mặt bị phừng nóng không uống toa thuốc này.
Bài thuốc này còn gia giảm tùy theo tạng phủ nào thụ bệnh do ảnh hưởng của thận dương suy gây ra. Cho nên khi dùng nên tham khảo với bác sĩ đông y có căn bản y lý định bệnh và cho thuốc mới có kết quả như ý muốn. Ngoài ra còn có thể phối hợp với một số bài thuốc khác, tùy bệnh lý.