Post by Admin on Sept 3, 2015 21:29:56 GMT
Kinh tế “Xác chết biết đi”
Tác giả: Nguyễn Đình Phùng
Sự thật về nền kinh tế của Trung Hoa hiện giờ càng ngày càng tỏ lộ. Những cố gắng che dấu và bịp bợm của chính quyền Tập Cận Bình bây giờ đã không còn hiệu quả và ai cũng có thể thấy là kinh tế của Trung Hoa hiện nay có thể được mô tả là kinh tế của “Xác chết biết đi”!
Kinh tế Trung Hoa trong mấy thập niên vừa qua phát triển nhanh dựa vào xuất cảng hàng hóa và vào xây cất hạ tầng cơ sở. Đối với chính quyền cộng sản Trung Hoa, giữ cho việc xây cất càng ngày càng gia tăng và lan tràn khắp nơi là mục tiêu quan trọng vào bậc nhất. Lý do là ngoài việc kiến thiết và đặt nền móng hạ tầng cơ sở trên khắp nước Trung Hoa để tối tân hóa nhanh chóng, chính quyền giải quyết được việc kiếm việc làm cho dân chúng. Mỗi năm, vài chục triệu người đổ xô từ thôn quê ra thành thị để kiếm việc. Xây cất khắp nơi giúp cho những người ở tầng lớp thấp, thiếu học và nghèo khổ này có việc làm, đỡ được những chống đối, nổi loạn, cũng như kích thích kinh tế rất mạnh theo phản ứng dây chuyền. Đây là lý do chính cho mức tổng sản lượng quốc gia GDP của Trung Hoa trong những thập niên trước tăng 15 – 20% mỗi năm.
Việc xây cất vĩ đại tại Trung Hoa đã làm những xứ khác xuất cảng nhiên liệu sang Trung Hoa như Brazil, Úc, Canada và rất nhiều quốc gia khác hưởng lợi và phát triển theo. Năm 2009 trong khi đa số quốc gia trên toàn cầu đang đi vào cuộc Đại Suy Thoái, Trung Hoa và các xứ xuất cảng nhiên liệu và khoáng sản sang Trung Hoa tương đối ít bị ảnh hưởng nhờ vào những công trình xây cất rộng lớn khắp nơi này. Trong năm 2009, Trung Hoa mua 40% số lượng kim loại đồng sản xuất của toàn cầu, 50% quặng sắt và gần như mọi thứ khác để xây cất. Cũng trong năm này, những dự án xây cất nhà cửa, một nửa cho thương mại, một nửa là những buildings cho dân chúng ở, lên đến con số kỷ lục là 60 tỷ square feet, chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại xây cất nhiều đến thế!
Hai điều quan trọng xảy ra với chuyện xây cất vĩ đại đến mức khủng khiếp này.
Thứ nhất, đa số những công trình này hoàn toàn vô dụng! Có nghĩa xây lên hẳn một thành phố cho một triệu dân về ở, nhưng xây xong, không có dân ở, phải bỏ không! Các thành phố thi nhau xây những buildings mấy chục từng lầu, mọc lên như nấm, để bán thành những condos, mỗi cái trị giá cả 100,000 Mỹ Kim. Nhưng một gia đình trung bình kiếm được dưới 10,000 Mỹ Kim một năm, làm sao có tiền để mua hay để thuê! Có nghĩa các buildings này đều bỏ hoang, không một bóng người!
Điều quan trọng thứ hai là những việc xây cất vô dụng và tốn tiền này đều do đi vay! Các chính quyền địa phương của tỉnh, của vùng trên khắp xứ Trung Hoa thi đua nhau để xây cất và chứng tỏ vùng mình phát triển mạnh, lấy điểm với cấp trên. Nên đã khuyến khích các ngân hàng thuộc quyền kiểm soát của chính quyền địa phương cho vay tối đa, vô tội vạ, cho những công ty xây cất, cho những cơ xưởng sản xuất xi măng, nhà máy làm thép.. Số nợ do các chính quyền địa phương hiện nay đã lên đến mức kinh khủng là 28 trillion Mỹ Kim tức 28 ngàn tỷ, cho năm 2014. Số nợ này so với năm 2007 chỉ là 7 trillion, có nghĩa trong 7 năm đã tăng gấp 4 lần! Đây là con số mới nhất và tin cậy được theo khảo cứu của công ty chuyên về kế toán McKinsey, không phải là con số bịp bợm và giả tạo của chính quyền cộng sản vẫn tìm cách che dấu!
Mức nợ này nếu so sánh với mức tổng sản lượng quốc gia là 283% của GDP, một tỷ lệ cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ hay với các nước Âu Châu khác. Theo khảo cứu của hai kinh tế gia Kenneth Rogoff và Carmen Reinhart của Harvard, mức nợ quốc gia một khi lên đến mức 80 hay 90% của GDP, sẽ đưa đến khủng hoảng kinh tế và quốc gia đó dễ bị vỡ nợ. Nay Trung Hoa có món nợ vĩ đại là 28 trillion Mỹ Kim, nhiều gần bằng 3 lần GDP, có nghĩa Trung Hoa đã và đang vỡ nợ đến nơi!
Điều tệ hại và khôi hài nhất là món nợ khủng khiếp này không phải là để dùng vào những việc hữu ích nhưng là tiền vất đi, ném vào những malls bỏ hoang, buildings không một bóng người, đường xá và cầu cống không xe cộ nào dùng đến, những phi trường không có máy bay đáp xuống. Có nghĩa tất cả tiền tài lợi lộc do dân Tàu nai lưng sản xuất trong những cơ xưởng và xuất cảng sang ngoại quốc từ mấy chục năm nay, đã tan thành mây khói vì ném vào những công trình xây cất vô dụng. Hơn thế nữa các chính quyền địa phương nay đã bị quàng vào cổ những món nợ khổng lồ do những chuyện xây cất điên rồ này đưa lại!
Đứng trước tai nguy do nợ nần của các chính quyền địa phương gây ra, chính quyền Tập Cận Bình đã tìm cách giải quyết một cách ma mãnh là đã thổi cho thị trường chứng khoán tại Shanghai và Shenzhen lên thành quả bóng và khuyến khích dân Tàu nhảy vào thị trường chứng khoán để mua stock. Đồng thời cho các chính quyền địa phương nợ ngập đầu này bán stock để trả nợ. Cũng như các công ty sắp phá sản, nợ như chúa chổm, cho ra thị trường bán stock hết.
Nhưng sự bịp bợm và che dấu dư luận dân chúng Tàu cũng chỉ được phần nào. Dù chính quyền và các cơ quan truyền thông do chính quyền kiểm soát có bốc và kêu gọi dân Tàu mua stock, hứa hẹn đây chỉ là khởi đầu, stock chỉ lên chứ không xuống. Nhưng một khi đụng đến túi tiền và vốn liếng dành dụm của dân chúng, những gian xảo và bịp bợm che dấu cũng không chặn đứng được làn sóng bán tống bán tháo bỏ của chạy lấy người của dân Tàu.
Dĩ nhiên cũng nhờ một phần vào những công ty đầu tư của ngoại quốc, đặc biệt của Hoa Kỳ như Morgan Stanley và công ty của Jim Chanos, chuyên môn bán short selling, đã khởi đầu cho việc sụp đổ crash của thị trường chứng khoán Trung Hoa và lôi kéo theo dân Tàu thi nhau bán để thoát thân.
Dù chính quyền Tập Cận Bình có nhảy vào để tung tiền mua stock và đưa ra những biện pháp ngăn chặn thế nào đi nữa, điều giản dị là dân Tàu đã không còn lòng tin vào chính quyền nữa và đây là điều Tập Cận Bình đã lo sợ nhất.
Điều rõ ràng là tuy ngoại quốc chỉ gần đây mới ý thức được sự bịp bợm và xảo trá của chính quyền cộng sản, đưa ra những con số không tin cậy được như phát triển GDP 7% năm ngoái. Dân Tàu bình thường mỗi ngày đi ngang qua những buidings xây khắp nơi nhưng bỏ hoang không người ở, đã đoán biết được kinh tế của Trung Hoa đang đi vào con đường phá sản, vỡ nợ. Ngoài ra có thể thấy được những công ty, cơ xưởng sống dở chết dở ngay tại địa phương mình sinh sống, chỉ còn là những xác chết biết đi loại zombies, giữ cho không chết hẳn do chỉ thị của chính quyền!
Thí dụ điển hình là thành phố Changzhi tại phía Bắc, nơi chuyên sản xuất xi măng cho các công ty xây cất. Hiện nay thành phố này đầy dẫy những nhà máy chế tạo xi măng bỏ hoang vì nhu cầu dùng xi măng xuống nhiều khi xây cất ngưng trệ lại. Một nhà máy xi măng ở đây tên Hutai trước kia sản xuất 1 triệu tấn xi măng mỗi năm nay chỉ còn làm ra 200,000 tấn, bị lỗ nặng như đa số các nhà máy xi măng của thành phố gần 3 triệu người này. Nhưng Hutai không đóng cửa vì được chính quyền điạ phương tiếp tục bơm tiền vào để giữ 300 nhân công tại đây không bị sa thải.
Như vậy Hutai là biểu tượng cho một nền kinh tế tại Trung Hoa đang đi vào tình trạng sống dở chết dở hay zombie, xác chết biết đi. Hàng chục ngàn công ty hay cơ xưởng trên toàn cõi Trung Hoa liên quan đến xây cất đang ở trong trạng thái này, chỉ sống được với tiền của chính quyền địa phương bơm vào và để nạn thất nghiệp không tăng cao gây ra dân chúng nổi loạn. Hiện nay con số biểu tình do nhân công bị sa thải hay bị quịt tiền lương do ban quản trị bị lỗ lã bỏ chạy đã xảy ra rất nhiều, tăng hơn gấp bội so với năm ngoái.
Đây là khởi đầu cho những xáo trộn nội địa đã và đang xảy ra làm chính quyền Tập Cận Bình phải điên đầu. Vì ngoài chuyện độc tài chuyên chế và đàn áp, giao kèo xã hội bất thành văn giữa chính quyền và dân chúng là trao đổi giữa một đời sống thịnh vượng hơn và chấp nhận thể chế độc tài với đảng cộng sản nắm quyền tối thượng. Nay với kinh tế vỡ đổ, chính quyền họ Tập đã mất niềm tin của dân chúng và những rối loạn sẽ dễ dàng xảy ra.
Đằng khác phong trào dưới danh nghĩa diệt tham nhũng của Tập Cận Bình đã thanh trừng hàng trăm ngàn những đảng viên cũ trung thành với các chính quyền trước của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Những thành phần này đang cấu kết lại với nhau và với kinh tế sụp đổ, qui tội lên Tập Cận Bình, sẽ làm cuộc tranh giành quyền lực xảy ra rộng lớn và đẫm máu hơn. Có lẽ chỉ trong vòng vài tháng nữa, khi kinh tế Trung Hoa đi sâu hơn vào suy thoái và các cuộc biểu tình phản kháng của dân chúng bị mất việc lan rộng, sẽ thấy rõ hơn mức độ của cuộc tranh giành quyền lực và xáo trộn trong nội bộ của đảng cộng sản.
Trung Hoa như vậy đang lâm vào tình trạng “Xác chết biết đi” cho nền kinh tế. Đây là con đường Nhật Bản đã trải qua sau khi quả bóng địa ốc và chứng khoán tại Nhật Bản vỡ tan trong thập niên 80’s. Rất nhiều các công ty của Nhật cũng ở trong tình trạng vỡ nợ, nhưng không được để cho chết, tiếp tục hoạt động sống dở chết dở zombie, do các công ty mẹ lớn hơn hay các ngân hàng bơm tiền vào. Kết quả là một nền kinh tế trì trệ trong suốt hai mươi năm và đi vào giảm phát deflation mãi đến nay cũng chưa thoát khỏi.
Trung Hoa đã rập khuôn, bị vỡ quả bóng địa ốc, vỡ tan chứng khoán bắt đầu tháng vừa qua. Và tình trạng các công ty và cơ xưởng về kỹ nghệ xây cất và nhiều nghành liên hệ khác rơi vào zombie, xác chết biết đi, sẽ làm kinh tế Trung Hoa suy thoái và trì trệ có lẽ vài chục năm là điều dễ dàng xảy đến.
Với kinh tế suy sụp và khó khăn nội địa, Trung Hoa sẽ đỡ được những hung hăng và tham vọng xâm chiếm lãnh thổ như hiện nay đang hoành hành hay không? Đây là điều cả toàn cầu và các quốc gia Đông Á đều hy vọng như thế. Và chỉ thời gian mới cho chúng ta câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi quan trọng này trong tương lai sắp đến.
30 tháng 8, 2015
Nguyễn Đình Phùng
www.nguyendinhphung.com