Post by cuong on Oct 31, 2015 21:54:37 GMT
CHỨNG TÝ
link
I.KHÁI NIỆM
Tý đồng âm với Bí, nghĩa là bế tắc, ngăn lấp, không thông.
Chứng Tý là chứng kinh mạch bị ngoại tà xâm nhập làm bế tắc dẫn đến khí huyết vận hành bị trở ngại không thông gây nên các biểu hiện bì phu, cơ nhục, cân cốt (da, thịt, khớp xương) đau nhức, sưng đau, ê ẩm, tê bì, nặng nề, sưng đau…
Về mặt Tây y, chứng tý thường gặp trong các bệnh như đau dây thần kinh ngoại biên, viêm đa khớp dạng thấp, viêm khớp cấp, viêm cột sống, viêm cột sống dính khớp, viêm cơ, bệnh gút…
II.PHÂN LOẠI
Tam Tý do ba thứ khí Phong Hàn Thấp gây bệnh, tùy thuộc vào biểu hiện của khí nào trội hơn sẽ mang tên ba loại bệnh tý như:
Phong khí thắng gọi là Phong tý hay Hành tý.
Hàn khí thắng gọi là Hàn tý hay Thống tý.
Thấp khí thắng gọi là Thấp tý hay Trước tý.
Bệnh do Phong Hàn Thấp khi gặp lạnh thì Cấp, gặp nóng thì Hoãn.
Ngũ tý cũng do ba thứ khí Phong Hàn Thấp gây bệnh nhưng tùy thuộc xâm nhập vào mùa nào sẽ có xu hướng gây bệnh cho phần cơ thể tương ứng gây nên năm loại bệnh Tý như:
Mắc bệnh mùa xuân gọi là Cân tý.
Mắc bệnh mùa hạ gọi là Mạch tý.
Mắc bệnh mùa trưởng hạ gọi là Nhục tý hay Cơ tý.
Mắc bệnh mùa thu gọi là Bì tý.
Mắc bệnh mùa đông gọi là Cốt tý.
Nếu bộ phận cơ thể trên đã bị bệnh như chưa khỏi tiếp sau đó lại cảm nhiễm Phong Hàn Thấp lần thứ hai thì gọi là “Trùng cảm” hoặc “cảm phải Phục tà” (tà khí ẩn nập bên trong do nhiễm từ lâu nhưng chưa phát bệnh) làm tổn thương đến tạng phủ bên trong tương ứng sinh ra chứng bệnh:
Nếu Cân tý không khỏi lại cảm phải Phong Hàn Thấp lần nữa hoặc cảm phải Phục tà thì nó sẽ ký túc vào Can gây bệnh gọi là Can tý…. Và như thế ta có chứng Tâm tý, Tỳ tý, Phế tý và Thận tý.
Theo Nội kinh thì “Chứng tý là một trong những chứng nan trị vì trời có sáu thứ khí mà chứng tý lại do ba thứ khí hợp lại gây bệnh, theo các thuộc tính của ba thứ khí là phong thì đi nhanh, hàn thì vào sâu, thấp thì ướt đãm và ứ đọng, khi phối hợp lại cùng gây bệnh sẽ tạo nên bệnh cảnh phức tạp”.
Kỳ Bá trong Tố vấn tiên lượng, khi bệnh Tý mà:
Tà khí ở bì phu thì bệnh còn nhẹ, dễ phát tán thì dễ trị.
Tà khí vào gân xương, không còn ở bì phu, chưa vào nội tạng thì khó trị.
Tà khí xâm nhập vào nội tạng làm cho tạng khí suy kiệt thì càng khó trị.
Tuệ Tĩnh chó là phát bệnh ở buổi sáng là do khí trệ dương hư, buổi chiều phát bệnh là huyết nhiệt âm tổn.
Theo Hải Thượng Lãn Ông: “Chữa Phong nên bổ Huyết, chữa Hàn nên bổ Hỏa, chữa Thấp nên kiện Tỳ, tuy dùng thuốc trị Phong Thấp nhưng cần dùng bổ khí huyết để khống chế bệnh tà không vào hai kinh Can Thận, bổ nguồn gốc của Tinh Huyết để tác dụng đến gân xương vì bệnh có bên trong hư mà gây nên”.
III.NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH
1.NGUYÊN NHÂN
1) Do 3 thứ khí Phong, Hàn, Thấp cùng phối hợp xâm nhập gây bệnh.
Như thiên Tý luận sách Nội kinh Tố vấn viết: “Ba khí Phong, Hàn, Thấp lẫn lộn dồn đến, hợp lại thành chứng Tý”.
Sách “Loại Chứng Trị Tài” viết rõ thêm: ‘Các chứng tý… do dinh vệ hư, tấu lý không chặt, phong hàn thấp tà khí thừa lúc hư xâm nhập vào cơ thể, chính khí lưu thông bị tắc, khí huyết ngưng trệ lâu ngày thành chứng tý”.
2) Do nguyên khí suy yếu, hoặc có sẵn khí huyết hư suy, hoặc do ốm lâu tổn thương khí huyết hoặc tuổi già thiên quý suy ảnh hưởng làm cho Can Thận hư, tà khí nhân cơ hội xâm nhập gây bệnh.
Như mục Chư Tý Môn sách Tế Sinh Phương viết: “Do thể trạng yếu, tấu lý thưa hở khiến cho nhiễm phải tà khí phong hàn thấp mà hình thành chứng Tý”.
Hai nguyên nhân này thường phối hợp nhau gây bệnh.
Những yếu tố thuận lợi có thể là sống nơi ẩm thấp, khí hậu gió lạnh, ăn uống thiếu chất, làm việc mệt nhọc…
2.CƠ CHẾ BỆNH SINH
Nhóm ngoại cảm đơn thuần
Do 3 thứ tà khí Phong, Hàn, Thấp thừa cơ Vệ khí suy yếu xâm nhập vào cơ thể. Các tà khí này lưu lại ở bì mao, cơ nhục, kinh lạc làm cho khí huyết bế tắc không thông gây sưng, đau, nhức, tê, nặng, mỏi ở một vùng cơ thể hay các khớp xương.
Nhóm ngoại cảm phối hợp với nội thương
Cơ thể đã có sẵn nguyên khí suy yếu, hoặc có sẵn khí huyết hư suy, hoặc do ốm lâu tổn thương khí huyết hoặc tuổi già thiên quý suy ảnh hưởng làm cho Can Thận hư, tà khí Phong Hàn Thấp nhân cơ hội xâm nhập gây bệnh.
Hoặc là phong hàn thấp tà uất lâu hóa nhiệt, hoặc là kinh lạc có tích nhiệt, nay lại có phong hàn thấp tà xâm nhập gặp nguyên khí hư yếu mà sinh bệnh. Như sách Kim Quỹ Dực viết: “Tạng phủ kinh lạc vốn bị tích nhiệt, lại bị tà khí phong hàn thấp ẩn náu, nhiệt bị hàn uất, khí không được lưu thông lâu ngày, hàn cũng hóa thành nhiệt thì càng đau nhức âm ỉ khó chịu”.
IV.THỂ LÂM SÀNG
Tuy chứng tý có nhiều cách phân loại nhưng thực tế trên lâm sàng các chứng phong hàn thấp thường là tồn tại kết hợp nên đa số các thầy thuốc chia chứng tý làm 2 loại:
1) Phong hàn thấp tý
2) Phong thấp nhiệt tý
1.PHÒNG HÀN THẤP TÝ
Chứng trạng:
Chân tay đau nhức, mình mẩy đau nhức, ê mỏi.
Đau nhức các khớp xương cổ tay chân, bàn ngón tay chân, khủy, gối…
Đau nhưng không sưng nóng đỏ.
Hạn chế vận động, vận động đau tăng.
Sợ gió, sợ lạnh, gặp lạnh đau tăng.
Lưỡi nói chung không thay đổi rõ.
Mạch có thể Huyền nếu đau nhiều, hoặc Khẩn nếu lạnh nhiều nhưng không Sác.
Pháp: Khu phong tán hàn trừ thấp, thông kinh hoạt lạc
Phương dược: Quyên tý thang (Bách nhất uyển phương)
Tùy theo bệnh cảnh thiên về Phong, Hàn hay Thấp mà ta có thể chia cụ thể hơn thành thể Phong tý (Hành tý), Hàn tý (Thống tý), Thấp tý (Trước tý).
a.Phong tý (Hành tý)
Chứng trạng: Nếu Phong thắng thì có đặc điểm đau di chuyển, không cố định, chạy từ chỗ này sang chỗ khác, nổi mẩn, ngứa, sợ gió nhiều, rêu lưỡi trắng, mạch phần nhiều thường Phù (Viện Nghiên Cứu Trung Y).
Phép trị: Khu phong tán hàn trừ thấp, thông kinh hoạt lạc
Phương dược:
Quyên tý thang tăng thêm lượng Phòng phong, Khương hoạt để tăng khu phong
Phòng phong thang (Lưu Hà Gian)
b.Hàn tý (Thống tý)
Chứng trạng:Nếu Hàn thắng thì có đặc điểm đau nhiều hơn, nơi đau cố định, gặp lạnh đau tăng, chườm nóng đỡ đau, cơ thể lạnh, chân tay lạnh, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch Huyền Khẩn.
Phép trị: Tán hàn, khu phong, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc
Phương dược:
Quyên tý thang gia thêm Chế xuyên ô, Tế tân để tăng tán hàn
Ngũ tích tán (Hòa tễ cục phương)
c.Thấp tý (Trước tý)
Chứng trạng: Nếu Thấp thắng thì có đặc điểm các khớp đau nhức mỏi nặng, đau cố định không di chuyển, vận động khó khăn, hoặc cơ bắp tê bì cảm giác nặng nề, thay đổi thời tiết thì đau tăng, người mệt mỏi, ê ẩm, chân tay nặng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Nhu Hoãn
Phép trị: Trừ thấp khu phong tán hàn, thông kinh hoạt lạc
Phương dược:
Quyên tý thang gia thêm Thương truật, bạch truật hoặc Phòng kỷ, Ý dĩ nhân để tăng trừ thấp.
Ý dĩ nhân thang gia giảm
d.Phong Hàn Thấp tý kiêm khí huyết hư, Can Thận hư
Chứng trạng:
Kiêm khí huyết hư thì khớp xương đau mỏi, sau khi mệt nhọc thì đau tăng, có thể thấy cơ bắp gầy nhão, sắc mặt xanh, nhạt, móng tay chaa trắng nhạt, không tươi, thiểu hơi, biếng nói, tinh thần mệt mỏi, sợ gió, tự hãn, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng, mạch Tế Nhược (Viện Nghiên Cứu Trung Y).
Kiêm Can Thận hư thì khớp xương lỏng lẻo hoặc co cứng, đau mỏi, cơ bắp teo gầy, tứ chi vô lực, lưng gối mỏi yếu, đau đầu, chóng mặt, móng tay chân khô dòn, tai ù, nặng tai, tóc rụng, răng lung lay, dương nuy, di tinh, mạch Trầm Nhược (Viện Nghiên Cứu Trung Y).
Phép trị: Khu phong tán hàn trừ thấp, thông kinh hoạt lạc, bổ Can thận, cường cân cốt.
Phương dược:
Độc hoạt tang ký sinh thang (Thiên kim phương)
Tam tý thang (Phụ nhân lương phương)
2.PHÒNG THẤP NHIỆT TÝ
Chứng trạng:
Đau khớp có sưng nóng đỏ, đắp lạnh dễ chịu, ấn vào đau tăng, vận động đau tăng.
Thường có kiêm chứng mình nóng, phát sốt, miệng khô, khát nước, bứt rứt.
Lưỡi đỏ, rêu vàng.
Mạch Hoạt Sác.
Phép trị: Thanh nhiệt giải độc, khu phong trừ thấp, thông kinh hoạt lạc
Phương dược:
Bạch hổ quế chi thang (Kim quỹ yếu lược)
Quế chi thược dược tri mẫu thang
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trắc. Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh I, II, III, IV. NXB Hà Nội, 1997.
Hoàng Bảo Châu. Nội khoa y học cổ truyền, Chứng Tý, trang 574-585. Nhà xuất bản Y học Hà Nội, 1997.
Khoa Y học cổ truyền, Bộ môn bệnh học, Trường ĐH Y Dược Hồ Chí Minh. Nội khoa y học cổ truyền; Chứng Tý, trang 223-233. Nhà xuất bản Y học, 2001.
Nguyễn Thiên Quyến, Đào Trọng Cường. Viện ngiên cứu Trung y, Chẩn đoán phân biệt chứng trạng trong Đông y, Chứng tứ chi đau nhức, trang 691-708. NXB Mũi Cà Mau, 1996.