Post by cuong on Feb 1, 2016 3:08:55 GMT
Đón Xuân Này Choa Nhớ Xuân Xưa
thóc
Năm hết tết đến, bữa nay đã là ngày ông Táo về chầu Ngọc Hoàng. Tuy làng choa chẳng bao giờ có tục lệ cúng mừng ông táo nhưng choa vẫn nhớ đến ngày hăm ba, ngày đưa ông táo về trời để làm cái mốc nhắc nhớ cho choa biết tết sắp đến rồi.
Hôm nay rỗi việc nghỉ làm một bữa, một mình thơ thẩn ngồi thả hồn độc ẩm, bên cạnh đĩa bánh chưng mới tét ra, một đĩa hành củ ngâm nước mắm, một đĩa chả thủ thay cho đĩa thịt đông và một ly rượu nếp đã rót sẵn từ chai mà mấy hôm vừa rồi lên Oakland đi tết chú thím choa, chú thím đã tặng cho thằng cháu nguyên một chai rượu nếp. Rượu nếp chú thím choa cất, phải công nhận ngon tuyệt. Rượu vừa thơm vừa ngon vừa dịu vừa ngọt. Những thứ rượu như Volka, Hennessy, Remy Martin hay Couvoiser uống cay sóc không làm sao có thể sánh được với rượu nếp. Nói đến rượu nếp, rượu đế, choa chợt nhớ năm nao hồi còn đi học ở trường làng với thầy giáo làng. Thầy giáo làng chính là thầy N.T. Tạo. Thầy Tạo độc thân, được người làng đặt cho cái tên hóm hỉnh là thanh niên sau lũy tre. Thầy Tạo cao ráo đẹp trai, thêm cặp môi sexy tự nhiên khỏi cần bơm, trình độ học thức, lại là con trai một trong gia đình được miễn đi lính, lẽ ra có những lợi điểm của một người thanh niên như thầy thì thầy chắc chắn sẽ chẳng bao giờ hiu quạnh. Thế nhưng không hiểu sao, thầy vẫn nhất định ở vậy, sống cô đơn cho con gái nó thèm. Tuy được mệnh danh là ông thầy sau lũy tre nhưng qua sự nhận xét của thầy: " Bữa sau có dịp ra ngoại quốc rồi bay sẽ thấy, rượu đế của Việt Nam mình ngon bằng vạn lần rượu ngoại quốc" thì thấy lời nói của thầy quả là tiên tri, là hiểu rộng. Ngày xưa choa làm gì có dịp uống rượu để so sánh ngon dở. Ngay rượu đế là thứ rượu nội gần gũi thân thiết kia mà choa chẳng bao giờ được xớ rớ có dịp uống thử, nếm chơi thôi cũng sẽ bị bá choa lấy cây vạng cho ngay, huống chi mơ đòi uống rượu ngoại là thứ rượu xa xỉ mắc mỏ thì chuyện nếm rượu ngoại khác nào chuyện hoang tưởng viễn vông. Bây giờ sống ở nước ngoài, có dịp nếm qua các thứ rượu ngoại rồi, mới thấy rượu đế, rượu nếp đúng là số một, mới thấy lời của thầy N.T. Tạo khác nào sấm của Trạng Trình. Nhấp chút rượu nếp nghĩ về những lời nói của thầy Tạo năm xưa, ngồi nhâm nhi mấy món "cà hành, giò thủ, bánh chưng xanh", cái hương vị thơm tho của món ăn tết đưa choa về những cái tết năm xưa lúc choa còn thơ.
Nhớ mỗi độ xuân về, dịp tết năm nào mẹ choa cũng chuẩn bị sớm để ăn cái tết cho tươm tất. Trước tết cả tháng, mẹ choa mua sớm một đàn vịt độ dăm bảy con đem về nuôi cho béo để ngày tư ngày tết có thịt làm đĩa tiết canh, có thịt vịt kho nồi măng khô. Mẹ choa còn sai choa đem gạo, nếp và nước mắm vào nhà bà Sáng Vẹt đặt thuê bà làm bánh; gạo và nước mắm để làm bánh tráng, bánh da bò; nếp nhờ bà xay, lọc ráo. Sau khi bà Sáng làm xong, choa vào lấy nếp xay, bánh tráng đem về. Bột nếp đang ướt, mẹ choa nắm từng nắm lớn, cắt mỏng đem phơi khô, đợi ngày tết, đem nặn bột làm bánh mật, bánh ít ngọt. Trước ngày tết độ dăm ngày, mẹ choa muối sẵn một vại dưa cải, đợi đến ngày mùng một tết dưa chua là vừa ăn; dưa chua phần để ăn cơm thịt đông, phần để làm đồ nhắm ăn với bánh chưng đãi khách. Mẹ choa cũng không bao giờ quên làm một hũ cà hành ngâm nước mắm ngon. Cà hành ăn cặp với bánh chưng, thay vì chấm bánh chưng với nước mắm, khá hợp khẩu vị. Cà hành cay ăn xông lên mũi thấy cũng hay hay. Và bao giờ cũng vậy, có thể nói là năm nào cũng như năm nào, hôm ba mươi tết là bao giờ mẹ choa cũng nấu sẵn một nồi thịt đông bự để ăn suốt ba ngày tết vì ba ngày tết, ngư phủ chẳng ai đi chài đi biển, cá mắm sẽ không sẵn, nên thịt đông luôn luôn được dùng ăn thay cá tôm trong ba ngày tết.
Nhớ những ngày chạp tết, choa cùng chúng bạn theo lũ đàn anh vác dao, cuốc bộ đi lên núi chặt cây đỏ-ngọn thay cho nhánh mai. Từ đường cái rẽ vào đường mòn lên núi gai góc giăng đầy, choa và lũ chúng bạn phải lấy dao phạt nhánh, dùa gai rẽ lối đi. Vì lâu ngày ít ai lên núi nên đường mòn cỏ dại mọc đầy, nhiều nhất là hoa mắc cỡ mà ông nhạc sỹ Trần Thiện Thanh đã huyền thoại hóa gọi nó là hoa trinh nữ. Loại hoa này mỗi lần có ai đụng tới là cả cây có bao nhiêu lá đều e ấp khép lại thành đôi như những thiếu nữ e lệ hay mắc cỡ cúi đầu khi có chàng trai để ý tới. Choa thì chả bao giờ biết ngắm hay nâng niu hoa bao giờ nên những thứ hoa dại chắn lối đi như hoa trinh nữ, choa chỉ biết vô tư nhắm mắt dẫm bừa lên. Chặt được nhành đỏ-ngọn ưng ý có nhiều nụ, choa lại theo chúng bạn vác nhành đỏ-ngọn về. Với cái sức yếu đuối non nớt chín mười tuổi lúc bấy giờ, phải vượt đồi leo dốc choa không đủ sức vác cả cành đỏ-ngọn lớn như những đàn anh nên choa cứ phải vừa kéo lê lê vừa vác cành đỏ-ngọn mới đuổi theo kịp chúng bạn. Về đến nhà thì cành đo-ngọn đã trầy trụa và mất đi nhiều nụ. Choa phải cắt xén bỏ mất cả nửa nhánh thì cành đỏ-ngọn mới trông ra hồn.
Ngày ba mươi giáp tết, ai ai cũng háo hức chuẩn bị đón tết. Tết đã thấy trong lòng mọi người. Học trò học vẹt đã được nghỉ cách đó mấy hôm. Thời gian nghỉ học, bọn con nít như choa chẳng biết làm gì giúp gia đình. Choa thường hay lang thang ra các quán mụ Kỷ, mụ Thành Đoan hay nhà bá Lan Dực mua pháo đem về đốt lẹt đẹt cho vui tai.
Nhắc đến kỷ niệm đốt pháo, choa nhớ lại cái lũ con nít hay tụ họp chơi trước sân nhà ông Thọ Lộc. Nhớ thằng Hơn Chuộng nghịch ngợm đã đem pháo cắm vào bãi kít chó gần đấy. Nó loay hoay bật lửa châm ngòi hoài pháo không nổ. Tức mình nó bẻ ngòi ngắn đốt cho dễ nổ. Chẳng ngờ ngòi bẻ cụt quá, lửa bén nhanh, thằng Hơn Chuộng mới châm pháo chưa kịp tháo lui thì pháo đã nổ tung. Bị pháo nổ bất ngờ, con nhà Hơn Chuộng giật hoảng miệng há hốc, kít chó văng vung vãi bắn cả vào miệng nó khiến đám con nít bu quanh có dịp ôm bụng cười bò khoái trá.
Ngày ba mươi cũng là ngày dọn mộ phần của ông bà và những người quá cố, anh em choa thường vác dao, cuốc xẻng ra mả dọn mộ cho ông nội. Ngày này đông đảo người ra làm mộ, dân làng choa không ai đem lễ vật cúng kiến ông bà nhưng choa nhớ ông bà qua câu kinh lời nguyện, và cắt cỏ làm mộ để nhớ đến tổ tiên những bậc sinh thành ra cha mẹ choa và có choa.
Rồi đêm ba mươi lúc giao thừa làng choa có tục lệ đọc kinh mừng tuổi ông thánh, quan thày giáo họ. Thời còn nhỏ, tuy chưa đủ trí khôn để biết nhiều, nhưng choa vẫn thấy giây phút mừng ông thánh là giây phút trọng đại, trang nghiêm của một năm mới. Choa bao giờ cũng đòi bá choa dắt choa vào đình làng, sau này gọi là trụ sở làng, mừng tuổi ông thánh lúc nửa đêm giao thừa. Mừng tuổi ông thánh, những người tham dự trong làng đọc kinh, cầu xin ông thánh ban ơn phù hộ cho làng xóm yên ổn, cho quốc thái dân an. Mọi người sau đó mừng tuổi, chúc tết đầu năm rồi ra về. Từ ngày còn thơ, choa đã thích cái tập tục này vì nó có một cái gì thiêng liêng, cột chặt choa với tình làng nước. Mặc dù cố đòi bá choa cho bằng được để tham dự giây phút chúc tuổi ông thánh, nhưng bao giờ cũng vậy, những giây phút trọng đại nhất choa lại sốt sắng ngủ gục. Nửa đêm giao thừa mừng tuổi ông thánh xong, bá choa phải vác choa về ngủ, cho đến khi choa tỉnh lại thì đã sáng mùng một.
Đến sáng mùng một tết. Sau khi dự thánh lễ đầu năm, giáo dân tụ họp trước mặt tiền nhà thờ để chúc tuổi cha xứ. Sau đó mọi người ra về đón xuân. Pháo đã nổ ran từ lúc giao thừa và lai rai cho đến sáng, nhưng sau khi lễ xuân đầu năm thì pháo lại nổ vang và súng của nghĩa quân cũng mang ra nả bắn chỉ thiên thi đua với pháo. Lưu đạn khói vàng, xanh, đỏ cũng được đem ra ném cho màu mè vui tết. Choa nhớ có một năm, đi lễ mới về đến nhà là mọi người đã tá hoả vì hơi cay, chẳng thấy khói đâu mà mắt thì cay sè. Choa phải nhắm mắt, lấy khăn tẩm nước bịt mặt, bịt mũi mới đỡ. Trưa hôm đó, sau khi dò hỏi, choa mới biết được là bá HQ mắt nhắm mắt mở vui xuân, vô tình nhầm lẫn lưu đạn cay là lưu đạn khói đem ra giật chốt ném chúc tuổi đãi dân làng đầu năm.
Ngày mùng một tết là ngày bà con thân thuộc thăm viếng chúc tuổi nhau. Thường bọn con nít như choa được mẹ têm cho cơi trầu đi mừng tuổi những bà con họ hàng. Choa nhớ mẹ choa dậy cho choa một câu tủ để mừng tuổi ông bà, chú bác: "Năm mới năm me, bá mẹ cháu có cơi trầu đến mừng tuổi ông bà, cầu chúc ông bà sống lâu trăm tuổi...". Đại khái những câu chúc Xuân là những câu thủ tục mà chắc chắn hỏi những đứa trẻ cùng làng bằng tuổi choa lúc bấy giờ, ắt là cũng thuộc lòng những câu chúc tương tự.
Sau khi mừng tuổi bà con, choa được tiền mừng tuổi. Trong túi rủng rỉnh ít tiền, choa thường chui vào mấy sòng bầu cua, sắc ở chợ, đánh cho vui. Có năm ham mê chơi bầu cua xui xẻo cháy túi, choa chả còn đồng nào để đánh đáo, đốt pháo hay chơi các trò chơi hội chợ trong hai sân trường trung-tiểu học...
Nhớ lại hội chợ Xuân tổ chức hai bên sân trường, với đủ thứ các trò chơi bầu cua cá cọp, thẩy vòng cổ vịt, ném các con vật làm bằng bông, coi người lớn leo cột mỡ, đu tre, nhẩy bao bố, coi chiếu bóng... choa bao giờ cũng lượn chơi, coi cho đã nư rồi lại theo đám trẻ làng đốt pháo..., đói bụng choa lại về sục sạo cơm nguội...
Thường thường, ngày mùng một tết, nhà choa từ lớn chí bé, tất cả đều nghỉ ngơi, chơi thả dàn, không nấu nướng, chỉ ăn bánh chưng, thịt đông hay thịt măng nấu sẵn ăn với dưa chua. Chính vì ăn thịt mỡ và bánh chưng nhiều choa lại ngán và đâm ra thèm nhớ cơm gạo tẻ nên mới chiều mùng một ngày đầu năm mà choa đã xuống bếp vùi nướng cá khô, lục nồi vét cơm nguội... Ăn xong choa lại tiếp tục được đi chơi cho đến tối, và tối đến lại được coi văn nghệ... Choa rong chơi suốt ba ngày tết mà chẳng bao giờ sợ bá mẹ choa đánh mắng hay bị một roi đòn nào vào mông.
...
Năm hết tết đến, ngồi thưởng thức món chả thủ dưa hành, bánh chưng, rượu nếp gợi choa nhớ lại kỷ niệm những ngày tết năm xưa... vui thật là vui...
Ôi! Choa nhớ quá ... !